Muốn trở thành một Tư vấn viên bảo hiểm chuyên nghiệp và gắn bó lâu dài với công việc này, chúng ta buộc phải nâng cao kỹ năng giao tiếp với người lạ. Và để làm được điều này, cách nói chuyện xã giao tốt sẽ là một yếu tố quyết định. Vậy làm thế nào để nói chuyện xã giao tốt hơn?
Mục tiêu khi nói chuyện xã giao là gì? Rất đơn giản, đó là: bắt chuyện, giữ cho câu chuyện tiếp nối, tạo cảm tình và thân thiện giữa hai người và để cho đối phương biết rằng “mình thích nói chuyện với bạn rồi đấy”.
Tôi thà được thích thú lắng nghe người khác nói, ngay cả khi tôi không đồng tình với họ, còn hơn là tôi tự nói một mình mà không biết liệu họ có chú tâm hay không. Chúng ta có thể chủ động quyết định việc chú ý lắng nghe Khách hàng nói, nhưng không thể đòi hỏi họ cũng như vậy. Và thực tế, chúng ta cũng khó nhận ra họ có đang chú tâm lắng nghe thật sự hay là hồn bay phách lạc ở phương trời nào rồi.
Khi cần phải tạo ra sự ấn tượng, sự khác biệt mới là điểm mấu chốt. Nếu người khác cứ xun xoe, bắt chuyện và nói liên tục với một người lạ. Thì bạn có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách đặt câu hỏi, rồi sau đó điềm tĩnh nhìn vào mắt đối phương và chờ đợi câu trả lời. Chắc chắn Khách hàng đã gặp rất nhiều “máy nói” quá rồi, nên khi gặp bạn – một “máy nghe” thực sự, họ sẽ có một ấn tượng không hề nhỏ.
Ngoài ra, chúng ta thường lầm lẫn giữa thông tin bí mật và thông tin quan trọng. Điều này khiến chúng ta đôi lúc dè dặt, giữ kẽ và gây ra những hạn chế trong các cuộc nói chuyện xã giao.
Ngày nay, sức mạnh đến từ việc chia sẻ thông tin thay vì giấu diếm thông tin.
Càng ngày ranh giới giữa riêng tư và công việc càng mờ nhạt. Chúng ta đang sống trong một xã hội mở, một thế giới phẳng và chúng ta phải có những hành động, lời nói mở. Miễn là chúng ta phân biệt đâu là bí mật thực sự, đâu là vấn đề nhạy cảm, để hạn chế đề cập là được. Còn lại, cứ hãy thoải mái tâm lý khi bắt đầu trò chuyện xã giao với người khác mà không bị căng cứng, đơn điệu trong lời nói.
Thẳng thắn một cách khéo léo ngay từ đầu thường được Khách hàng tôn trọng, ít ra cũng được nhìn nhận là một người chính trực. Khi chúng ta thoải mái trong việc nói ra một số vấn đề riêng tư như chuyện gia đình, chuyện con cái, thì chúng ta cũng đang khuyến khích Khách hàng nói ra những vấn đề của họ.
Tất nhiên là không phải ai cũng thoải mái nói ra, nhưng nếu chúng ta không nói ra trước, rồi sau đó đặt câu hỏi gợi ý, Khách hàng sẽ hiếm khi tự nói ra. Chúng ta không thể đòi hỏi Khách hàng phải cởi mở khi mà chưa thể hiện cho họ thấy điều đó từ chúng ta.
Khi ngồi gần một người lạ bất kỳ, nếu bạn mang trong mình suy nghĩ “Mình và người này chưa bao giờ gặp nhau, sao lại phải bắt chuyện làm gì?”. Nếu vậy thì có lẽ bạn không phù hợp với nghề tư vấn bảo hiểm và thậm chí là các nghề liên quan đến bán hàng.
Có lạ mới có quen. Trừ những người thân trong gia đình, một người xa lạ trở nên thân quen khi và chỉ khi cuộc nói chuyện giữa hai bên được kích hoạt. Đừng bị động chờ người khác bắt chuyện, hãy chủ động làm điều đó trước. Không phải lúc nào nó cũng đem lại kết quả tốt, nhưng quan trọng là phải biến nó thành một thói quen. Chỉ sau một thời gian, bạn sẽ thấy thói quen này giúp ích cho bạn như thế nào trong công việc và cả trong cuộc sống thường nhật.
Bạn sẽ không biết rằng, người mà bạn đang nói chuyện có thể là: Cô Giáo của một trường trung học mà con bạn sắp theo học, anh Cảnh Sát Giao Thông mà bạn có thể gặp phải ngoài đường hay một Bác Sĩ mà bạn sẽ tình cờ gặp lại trong Bệnh viện…
Nhiều người nghĩ rằng, làm quen là phải đưa ra những lời nói sâu sắc, hài hước và có ý nghĩa. Điều này khiến phần lớn mọi người sợ đưa ra những lời nói mà họ tự suy diễn là nhạt nhẽo, khiến họ dần dần sợ việc làm quen với một ai đó. Nhưng khi bạn nhận ra rằng, công cụ để làm quen đơn giản là những lời nói thật lòng, cởi mở thì hành động làm quen bắt chuyện thực sự không còn đáng sợ nữa.
Sự an toàn – dù là trong giao tiếp, kinh doanh hay trong cuộc sống, thường đem lại những kết quả “an toàn”, hay nói thẳng ra là CHÁN. Những người thành công và có sức hút mãnh liệt là những người bày tỏ lòng mình và không mất nhiều thời gian, công sức để thể hiện mình khác đi hay bắt chước người khác. Sức hút chỉ đơn giản là thể hiện chính mình. Nó hoàn toàn khác với việc phô trương bản thân quá đà – điều thường phản tác dụng. Chính sự độc đáo, riêng biệt cá nhân là điều tạo nên quyền lực mềm của bạn.
Một điều mấu chốt cần lưu ý khi nói chuyện xã giao, chúng ta nên biết và luyện tập những phong cách nói chuyện khác nhau, từ đó có thể tự điều chỉnh cho phù hợp với người đối diện. Giọng điệu của họ thế nào? Họ nói nhanh hay nói chậm? Họ nói to hay nói nhỏ?… Tất cả đều có thể điều chỉnh cho phù hợp để mang lại hiệu quả giao tiếp cao nhất có thể.
Trong những bài viết tới, tôi sẽ hướng dẫn bạn nhiều mẹo hay để nhanh chóng tạo thiện cảm với những khách hàng tiềm năng. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn bạn hãy nhớ rằng:
Cách tốt nhất để trở nên xuất sắc khi nói chuyện xã giao là đừng nói chuyện chỉ để xã giao.
(Nguồn: Được trích từ bộ sách “Những kỹ năng không ai nói với bạn trong nghề tư vấn bảo hiểm” – #Phạm_Ánh_Dương #0988271128)